Cảnh giác với trang web mạo danh Tập đoàn Điện lực Việt Nam

ảnh đại diện

by Biên Tập Viên

Tập đoàn Điện lực Việt Nam là một doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt của Việt Nam kinh doanh đa ngành. Trước năm 2006, EVN là tập đoàn độc quyền nắm giữ toàn bộ nguồn phát điện, là đơn vị sở hữu nhiều nhà máy điện lớn ở Việt Nam, toàn bộ lưới điện truyền tải. Đến nay, EVN vẫn đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phân phối đến các hộ dân. Điều này đã khiến nhiều kẻ xấu lợi dụng danh nghĩa của EVN để lừa đảo, trục lợi từ người dân, từ đó chiếm đoạt tài sản. Vậy làm cách nào để nhận biết và phòng tránh bị lừa đảo? Hãy cùng Chống Lừa Đảo (CLĐ) tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

I. Thực trạng lừa đảo giả mạo EVN

1. Giả mạo trang web của EVN

Vừa qua, Chống Lừa Đảo liên tục nhận được báo cáo từ người dùng về những trang web giả mạo EVN. Những trang web này được sử dụng để dẫn dụ khách hàng của EVN nạp tiền vào các tài khoản ảo. Việc nạp tiền vào các website giả mạo này thường được ngụy trang dưới nhiều hình thức như đóng tiền điện hằng tháng, đầu tư,…

Không chỉ lừa nạn nhân nạp tiền, các trang web này còn là nơi cài cắm dẫn dụ nạn nhân tải các ứng dụng điện thoại (app) độc hại.

Kiểm tra một file apk mạo danh app CSKH của EVN

Nếu nạn nhân khởi chạy những file này để cài đặt app, ngay lập tức các loại mã nguồn độc hại trong file cũng đồng thời được kích hoạt. Điều này không chỉ giúp cho đối tượng lừa đảo có khả năng kiểm soát điện thoại nạn nhân mà còn có thể sử dụng chúng để chiếm đoạt các loại tài khoản, bao gồm tài khoản ngân hàng, hoặc các loại thông tin cá nhân có thể tống tiền nạn nhân.

2. Giả mạo nhân viên điện lực

Trong năm 2023, Tập đoàn Điện lực liên tục lên tiếng cảnh báo về tình trạng khách hàng nhận được các cuộc điện thoại mạo danh nhân viên điện lực.

Tháng 5, Tổng công ty Điện lực miền Bắc nhận được phản ánh về việc có đối tượng mạo danh nhân viên điện lực, liên lạc với khách hàng và cho biết họ có thể bị cắt điện hoặc cắt hợp đồng mua bán điện sau 2 giờ kể từ cuộc gọi. Từ đó, các đối tượng yêu cầu khách hàng đóng các loại phí để đảm bảo không bị cắt điện.

Đầu tháng 8, điện lực TP Hồ Chí Minh cũng lên tiếng cảnh báo về những cuộc gọi mạo danh nhân viên điện lực. Ngoài Tổng công ty Điện lực TPHCM, một số đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng ghi nhận hiện tượng giả danh nhân viên điện lực gọi điện cho khách hàng sử dụng điện để lừa đảo.

Các đối tượng này tự xưng là nhân viên của điện lực khu vực, thông báo khách hàng nằm trong danh sách được hoàn lại 10% hóa đơn tiền điện 6 tháng đầu năm 2023. Để được hoàn tiền, khách hàng phải cài đặt ứng dụng hoặc truy cập website giả mạo để nạp tiền hoặc chuyển khoản vào tài khoản ngân hàng 5.000-10.000 đồng để có số tài khoản hoàn trả lại tiền.

Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2023 đã có hơn 150 trường hợp khách hàng phản ảnh về các cuộc gọi thông báo nợ tiền điện, dọa cắt điện, ngưng hợp đồng mua bán điện nếu không thanh toán ngay.

II. Hướng dẫn chi tiết cách nhận biết website lừa đảo

1. Nhận biết lừa đảo bằng scamadviser.com

ScamAdviser là một trong những website uy tín trên thế giới phân tích mức độ an toàn hay lừa đảo của các website khác. Sử dụng ScamAdviser để kiểm tra link “cskh[.]evnspr[.]cc

ScamAdviser đánh giá đây không phải là một trang web uy tín vì:

  • Chủ sở hữu trang web ẩn danh trên WHOIS
  • Thứ hạng trang web trên Tranco rất thấp
  • Nhiều trang web đáng ngờ trên cùng máy chủ
  • Không thể phân tích nội dung trang web
  • Là một tên miền con trong một tên miền chính, và tên miền chính có độ tin cậy thấp hơn.

Bạn cũng có thể tham khảo những đánh giá chi tiết về kỹ thuật khác để hiểu rõ lý do tại sao trang web này có độ tin cậy thấp.

Mặc dù trang web này có chứng chỉ SSL hợp lệ nhưng chứng chỉ này chỉ cho thấy sự bảo mật trong kênh truyền thông tin giữa máy của bạn và website. Chứng chỉ SSL cũng có nhiều cấp độ, một số kẻ lừa đảo cũng chuẩn bị cho trang web của mình một chứng chỉ SSL miễn phí.

DNSFilter đánh giá trang web này an toàn phần lớn vì nó không chứa các đoạn mã hay tập tin độc hại. Vì vậy muốn kiểm tra một trang web, nên sử dụng nhiều công cụ khác nhau.

2. Nhận biết bằng virustotal.com

VirusTotal là một trang web kết hợp nhiều phần mềm diệt virus và là công cụ quét trực tuyến để kiểm tra virus mà phần mềm diệt virus thông thường có thể bỏ sót. Sử dụng VirusTotal để kiểm tra “dienlucevn[.]com

Đã có 2 nhà bảo nhật nhận định đây là trang web độc hại và lừa đảo

3. Nhận biết bằng scam.vn

Ngoài ra người dùng cũng có thể kiểm tra độ tin cậy của website bằng Scam.vn.

4. Nhận biết bằng trình duyệt được cài đặt bảo vệ bảo mật

Hiện nay, một số trình duyệt đã cài đặt bảo mật để ngăn chặn và cảnh báo người dùng khi bạn truy cập vào các trang web không an toàn.

Đặc biệt là một số trình duyệt như Microsoft Edge, Opera và Cốc Cốc đã tích hợp sẵn dữ liệu danh sách đen từ Chống Lừa Đảo mà bạn không phải cài đặt thêm gì.

5. Nhận biết bằng website của Chống Lừa Đảo

Một trong những cách nhanh và chính xác nhất để biết có những website nào giả mạo Điện lực Việt Nam đó là bạn truy cập vào chongluadao.vn, các website lừa đảo luôn được cập nhật liên tục để bạn có thể nắm được thông tin mới nhất.

Các bước sử dụng Chống Lừa Đảo để kiểm tra một đường link như sau:

  • Bước 1: Bạn truy cập vào trang https://chongluadao.vn/thong-ke
  • Bước 2: Tìm đến mục Ngân hàng dữ liệu của ChongLuaDao
  • Bước 3: Nhập “evn” hoặc “dienluc” vào thanh tìm kiếm
  • Bước 4: Chờ ngân hàng dữ liệu của Chống Lừa Đảo hiển thị những trang web mạo danh EVN

Ngoài ra, bạn có thể nhập trực tiếp link website như vào thanh tìm kiếm để kiểm tra.

III. Một số lưu ý để tránh bị lừa đảo

1. Đối với các trang web giả mạo

Bạn nên lưu ý rằng, công ty điện lực sẽ không yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hay cài đặt ứng dụng từ các trang web không rõ nguồn gốc. Hãy cẩn thận và chú ý với các yếu tố dưới đây để đảm bảo an toàn cho mình:

  • Xác nhận thông tin đúng từ nguồn đáng tin cậy:
  • Để tránh việc vào nhầm trang web hay ứng dụng giả mạo, hãy lưu ý và xác nhận thông tin đúng từ nguồn đáng tin cậy như website chính thức hay sản phẩm được phân phối chính thức của công ty.
  • Kiểm tra địa chỉ URL:
  • Hãy kiểm tra địa chỉ URL của trang web hay ứng dụng để xác định xem đó có phải là trang web chính thức của công ty hay không.
  • Một số trang web giả mạo sẽ sử dụng địa chỉ URL tương tự như trang web chính thức, nhưng thông tin và giao diện của nó không giống như trang web chính thức.
  • Cẩn trọng khi cài đặt ứng dụng:
  • Khi cài đặt ứng dụng điện lực, hãy chỉ tải xuống từ các kênh tải chính thức như Google Play Store hay App Store, hạn chế tải từ những trang web không rõ nguồn gốc.
  • Kiểm tra đánh giá và phản hồi của người dùng trước khi tải xuống:
  • Nếu bạn sắp tải xuống một ứng dụng mới, hãy đọc kỹ đánh giá và phản hồi của người dùng trước để biết được độ tin cậy của ứng dụng.
  • Cảnh giác với yêu cầu thông tin cá nhân:
  • Nếu trang web hay ứng dụng yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân như mật khẩu hay thông tin tài khoản ngân hàng, hãy cẩn thận kiểm tra độ tin cậy và giá trị của yêu cầu đó.
  • Công ty điện lực thường không yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân qua các trang web hay ứng dụng.
  • Báo cáo ngay nếu phát hiện trang web hay ứng dụng giả mạo:
  • Nếu bạn nhận thấy bất kỳ trang web hay ứng dụng giả mạo của công ty điện lực, hãy ngay lập tức báo cáo cho công ty điện lực và cơ quan chức năng để giúp ngăn chặn sự lừa đảo.

2. Đối với chiêu trò giả mạo nhân viên điện lực

Chiêu trò giả mạo nhân viên điện lực không chỉ được sử dụng gián tiếp thông qua cuộc gọi, email mà còn có thể được sử dụng một cách trực tiếp: đối tượng lừa đảo sẽ giả mạo là nhân viên điện lực đến nhà và tiếp cận bạn. Trong trường hợp này, bạn nên chú ý:

  • Yêu cầu xem thẻ nhân viên:
  • Trong trường hợp có nhân viên điện lực tới kiểm tra công tơ hoặc sửa chữa điện, bạn cần yêu cầu xem thẻ nhân viên để xác nhận đó là một nhân viên thiệt.
  • Hãy chắc chắn rằng nhân viên có đầy đủ giấy tờ như chứng minh nhân dân và thẻ nhân viên điện lực.
  • Xác nhận thông tin trước:
  • Nếu nhân viên điện lực thông báo rằng họ đã đến để chuyển đổi các thiết bị hoặc lắp đặt công tơ mới, hãy kiểm tra xem có thông báo chính thức từ công ty điện lực hay không.
  • Nếu không, hãy gọi điện cho công ty điện lực để xác nhận thông tin trước khi cho phép nhân viên vào nhà.
  • Không chấp nhận thanh toán trước:
  • Những kẻ lừa đảo có thể yêu cầu thanh toán trước, ví dụ như phí lắp đặt, phí kiểm tra hoặc phí dịch vụ khác.
  • Hãy cẩn thận và không đưa cho họ bất kỳ số tiền nào trước khi xác nhận rằng nhân viên điện lực là người chính thức và có yêu cầu thanh toán.
  • Không cho phép nhân viên vào nhà nếu không có yêu cầu:
  • Nếu nhân viên điện lực yêu cầu được vào nhà của bạn để kiểm tra các thiết bị hoặc mặc dù bạn không yêu cầu dịch vụ của họ, hãy từ chối và gọi điện cho công ty điện lực để xác minh thông tin.

Nếu bạn nhận được cuộc gọi hay email với nội dung đe dọa, yêu cầu bạn chuyển tiền, nếu không có thể cắt hợp đồng hoặc cắt điện, bạn nên đặc biệt chú ý, hãy chú ý một số điều dưới đây:

  • Xác nhận thông tin TRƯỚC KHI đáp ứng yêu cầu:
  • Nếu bạn nhận được một cuộc gọi hoặc thư từ yêu cầu chuyển tiền, bạn cần xác nhận thông tin đó với EVN trước khi thực hiện bất kỳ hành động nào.
  • Hãy gọi lại hotline tổng đài chính thức của EVN để xác nhận thông tin.
  • KHÔNG chấp nhận yêu cầu chuyển tiền:
  • Nhân viên EVN không bao giờ yêu cầu người tiêu dùng chuyển tiền trực tiếp cho họ.
  • Nếu bạn nhận được một cuộc gọi hoặc thư từ yêu cầu chuyển tiền trong tình huống này, hãy ngay lập tức cảnh báo cho EVN và cơ quan chức năng để báo cáo về tình huống này.
  • KHÔNG cung cấp thông tin cá nhân:
  • Nếu bị nhân viên giả mạo yêu cầu thông tin cá nhân của bạn (ví dụ như số tài khoản ngân hàng hoặc thông tin thẻ tín dụng), hãy từ chối cung cấp thông tin đó.
  • Cảnh giác với email lừa đảo:
  • Nếu bạn nhận được một email từ “EVN” yêu cầu bạn cung cấp thông tin cá nhân hoặc chuyển tiền, hãy kiểm tra tên miền của email đó có đúng là tên miền chính thức của EVN hay không.
  • Nếu không, đó có thể là một email lừa đảo.
  • Xem và lưu giữ bằng chứng:
  • Nếu bạn đã bị lừa đảo, hãy lưu giữ bất kỳ bằng chứng nào mà bạn có thể (ví dụ như băng ghi âm cuộc gọi hoặc thư email được gửi cho bạn).
  • Điều này có thể giúp cơ quan chức năng tìm ra kẻ lừa đảo và giải quyết tình huống.
  • Nếu phát hiện dấu hiệu lừa đảo, bạn hãy thông báo ngay qua tổng đài 1900.54.54.54 hoặc cơ quan công an các địa phương.


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *